Sử dụng kỹ thuật chụp X – Quang nghiên cứu chiếc đinh thuyền tàu đắm.

0
520

Sử dụng kỹ thuật chụp X – Quang nghiên cứu chiếc đinh thuyền tàu đắm.

*Ths. Lê Cảnh Lam

** Ts. Nguyễn Việt

*: Viện Khảo cổ học, **: Trung tâm Nghiên cứu Tiền sử Đông Nam Á.

Một chiếc đinh thuyền bằng sắt của chiếc tàu đắm thứ 2 tại Quảng Ngãi, phát hiện năm 2013, được chúng tôi sử dụng kỹ thuật chụp X –Quang để nghiên cứu cấu trúc của đinh.

Quan sát bằng mắt thường cho thấy đây là một chiếc đinh rỉ nặng có tiết diện tròn đóng xuyên qua đệm gỗ vào thân thuyền và đóng bẻ ngang ở đầu mũi để khóa đinh giữa chắc vào ván thuyền, song liệu thực chất bên trong cấu trúc đinh có đúng như vậy?

Với chiếc máy chụp X – Quang hiện dùng phổ biến tại các bệnh viện mang tên: Ery.Rad Pro của hãng Shimazu chúng tôi đã tiến hành thí nghiệm này. Với các chế độ chụp thông thường như chụp xương sọ người ( 44kv, 1,6mAs) thì không chụp được cấu trúc bên trong lớp gỉ, kết quả cho ra tấm phim hình bề ngoài như quan sát bằng mắt thường (ảnh 1). Sau nhiều lần chụp với các chế độ khác nhau, cuối cùng chúng tôi tìm được chế độ chụp tối ưu (73Kv, 4,8mAs), thể hiện rõ cấu trúc bên trong của chiếc đinh rỉ (ảnh 2, 3).

Ảnh 1: Mặt đứng a Ảnh 2: Mặt đứng a Ảnh 3: Mặt đứng b

 – Ghi chú: ảnh được chụp 2 chiều vuông góc: mặt a và b

Nhận xét:

  • Với ảnh 1 cho hình ảnh giống quan sát bằng mắt thường, cho thấy đinh có chiều cao toàn bộ 13cm, mũi đinh bị bẻ gập.
  • Với ảnh 2 và ảnh 3 cho thấy cấu trúc thực sự của đinh, đã loại bỏ hoàn toàn phần mảng gỗ đinh đóng xuyên qua và loại bỏ phần rỉ bám phía ngoài. Chiếc định chỉ có chiều cao toàn bộ là 11cm. Đinh có mũ rập phẳng ở trên đầu, đầu đinh nhọn, thẳng không bị bẻ gập.
  • Đầu đinh là một khối phẳng hoàn chỉnh có thể được rập hoặc đúc với kỹ thuật cao hơn so với những chiếc đinh thuyền thời Trần, Hồ, Lê mà chúng ta đã từng khai quật được trong các di chỉ tại 62- 64 Trần Phú, Thành nhà Hồ bởi những chiếc đinh đã phát hiện trước đây đều có tiết diện tứ giác, đầu đinh chỉ được đập bẹp và bẻ ngang để tạo thành mũ đinh chứ chưa đựoc đúc hoặc rập thành một mũ như dạng mũ bu – lông của chiếc đinh này.
  • Việc sử dụng kỹ thuật X – Quang mở ra một phương pháp nghiên cứu cấu trúc bên trong của hiện vật. Có thể được ứng dụng trong nhiều công tác nghiên cứu như giám định tính toàn vẹn của hiện vật, cấu trúc bên trong của các hiện vật mà ta không được phép cắt phá mẫu như các loại khóa cổ, các tượng xác ướp thiền táng… đặc biệt hữu ích đối với công tác bảo quản và nghiên cứu hiện vật bởi nó cho phép ta biết trước được cấu trúc thật của hiện vật trước khi tiến hành các nghiệp vụ xử lý bảo quản cũng như đưa ra những nhận xét nghiên cứu về hiện vật.