Giám định hồng khánh chùa Phúc Nghiêm lưu giữ tại Bảo tàng Phật giáo

0
458
chua-phuc-nghiem-001
chua-phuc-nghiem-001

Lê Cảnh Lam. Nguyễn Quang Miên, Lê Hải Đăng*, Huỳnh Đình Quốc Thiện, Trương Thế Liên**, Thượng Tọa Thích Huệ Vinh*** và Trần Kỳ Phương****

*: Viện Khảo cổ học, **: Bảo tàng Đà Nẵng, *** Bảo tàng Văn hóa Phật Giáo, ****Hội Khảo cổ học Việt Nam.

I – Giới thiệu

Hồng khánh chùa Phúc Nghiêm  được sưu tầm và lưu giữ tại Bảo tàng Phật Giáo (Đà Nẵng),. Chùa Phúc Nghiêm còn có tên khác là chùa Tổ thờ Phật mẫu Man Nương, ở xã Mãn Xá  nay thuộc làng Mãn Xá, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh có niên đại Thiệu Trị tứ niên (1845). Nội dung ghi công đức của những hội các già và nhân dân địa phương công đức tiền đúc khánh. Đặc biệt  trong số những người công đức có 5 người họ Man – dòng họ ít người nhưng gắn với truyền thuyết về huyền thoại Phật Mẫu Man Nương chùa Tổ ở Thuận Thành Bắc Ninh. Kích thước: cao 107cm, rộng 123cm, dày 3cm. (Hình 1, 2, 3).

chua-phuc-nghiem-001
Hình 1. Hiện vật xét nghiệm 

chua-phuc-nghiem-002

chua-phuc-nghiem-003

 

 

 

Hình 2,3. Đặc tả chi tiết minh văn

II – Kết quả giám định

  1. Thành phần hợp kim:

Hợp kim đúc là dạng hợp kim 4 thành phần:  Cu 79,63%, Sn 17,51%, Pb 1,42%, Zn 0,26%. Hợp kim có 4 thành phần nhưng chì chỉ có 1,42%và kẽm có hàm lượng dưới 1%. Thành phần xấp xỉ và dưới 1% coi như là tạp chất, không có chủ đích pha trộn khi đúc. Có sự khác biệt rất lớn giữa đồ đồng gia dụng và chuông, khánh. Đặc trưng cho truyền thống đúc chuông, khánh là truyền thống đúc “hồng chung”, “hồng khánh” mà thành phần chủ động pha chế hợp kim đồng chỉ gồm đồng và thiếc. Hàm lượng đồng rất cao (khoảng 80% đến 90%) và thêm một lượng thiếc. Hợp kim này không chỉ tạo ra chuông, khánh có màu đỏ mà còn có độ ngân, vang khi đánh. Hợp kim không được pha chì vì pha chì sẽ làm cho chuông, khánh bị “câm”  đánh sẽ không kêu to và không ngân vang. Tiền công đức gồm 2 loại cổ tiền và tiền  (không ghi kèm chữ sử tiền) nhưng không sử dụng tiền đồng đó để nấu hợp kim đúc chuông mà dùng tiền đó để mua nguyên liệu đồng, thiếc nguyên chất để nấu và đúc vì hợp kim của cổ tiền và sử tiền có chứa chì hoặc kẽm hàm lượng cao. Cổ tiền thời Lê Sơ có hợp kim là đồng, chì, thiếc, trong đó chì có hàm lượng chì từ 16% đến 48%, trung bình 31% – theo đề tài Nghiên cứu phân tích thành phần hợp kim tiền đồng chính triều thời Lê năm 2020 do Ths. Lê Cảnh Lam làm chủ nhiệm đề tài – tư liệu Viện Khảo cổ học. Tiền Thiệu Trị thông bảo (1841-1847) có thành phần Cu 70,71%, Zn 21,06%, Pb 6,75%, Sn 1,36% – theo đề tài Nghiên cứu phân tích thành phần hợp kim tiền đồng chính triều thời Nguyễn năm 2021 do ThS. Lê Cảnh Lam làm chủ nhiệm đề tài – tư liệu Viện Khảo cổ học. Do vậy tiền đương thời Thiệu Trị cũng không được dùng để đúc bởi có hàm lượng  kẽm và chì cao nên cũng chỉ dùng để mua nguyên liệu đồng, thiếc nguyên chất và có thể trả công cho cho thợ đúc. (Kèm theo kết quả phân tích quang phổ ICP-MS).

  1. Cấu trúc Patina

Cấu trúc patina 2 tầng xen lẫn giữa màu đỏ của Cu2O và màu đen của CuO tự nhiên tạo ra màu đỏ xám trên bề mặt. Bề mặt khánh lồi lõm tự nhiên, không có dấu hiệu của sự đánh mài của máy mài cơ khí mà chỉ có vết rũa mài sửa cạnh ba via. Khánh có thời gian đã bị chôn vùi lấp, để lại dấu hiệu trầm tích màu xám trắng lắng đọng trên những kẽ, hốc lõm trên bề mặt khánh. Cấu trúc patina của chuông phù hợp với niên đại thời Thiệu Trị.

  1. Kỹ thuật đúc và chạm khắc, gia công nguội.

Hồng khánh được đúc bằng khuôn hai mang, để lại dấu vết ghép khuôn dọc theo cạnh của khánh. Kỹ thuật sửa bavia sử dụng các rũa cầm tay, không sử dụng máy mài đánh bóng, Kỹ thuật khắc chữ bằng đục chạm, không sử dụng máy khoan mũi nhỏ để khắc chữ. Chữ đại tự Phúc Nghiêm Tự Khánh và hồi văn bao quanh chữ được đúc nổi. Hồi văn hình chữ T xuôi ngược lặp lại mang đặc trưng hoa văn thời Nguyễn.

  1. Nội dung khắc trên khánh

Đại tự: Phúc Nghiêm Tự Khánh

Dịch nghĩa:

Mặt 1:

Xã Mãn Xá.

Đúc ngày tốt tháng hai năm Giáp Thìn.

Nguyễn Văn Bình xã Đào Xá công đức 01 quan. Nguyễn Viết Phẩm thôn Điện Tiền công đức 01 quan. Đỗ Trọng Tấu và vợ Phạm Thị Hồ ở thôn Mỹ Lộc, xã Phù Hán công đức 05 quan 08 mạch. Quan viên hương lão trên dưới xã Phước Thọ công đức 12 quan 06 mạch tiền cổ. Quan viên hương lão trên dưới xã Doãn Xá Hạ công đức 13 quan 06 mạch tiền cổ. Quan viên hương lão trên dưới xã Xuân Lê công đức 17 quan tiền cổ. Quan viên hương lão trên dưới thôn Hữu Lân công đức 22 quan tiền cổ. Quan viên hương lão trên dưới thôn Tứ Kì công đức 13 quan tiền cổ. Quan viên hương lão trên dưới thôn Lũng Vạn công đức 04 quan tiền cổ. Quan viên hương lão trên dưới xã Thanh Hoài công đức 08 quan tiền cổ. Quan viên hương lão trên dưới xã Thanh Tương công đức 02 quan 01 mạch tiền cổ. Quan viên hương lão trên dưới xã Đại Tự công đức 03 quan tiền cổ. Cai tổng Nguyễn Văn Ngạn công đức 01 quan. Quan viên hương lão trên dưới xã Liêm Lâm công đức 05 quan 01 mạch tiền cổ. Quan viên hương lão trên dưới xã Văn Khai công đức 05 quan 06 mạch tiền cổ. Quan viên hương lão trên dưới xã Phương Khai công đức 08 quan 07 mạch tiền cổ. Quan viên hương lão trên dưới xã Doãn Xá Hạ công đức 19 quan 05 mạch tiền cổ. Quan viên hương lão trên dưới xã […] công đức 20 quan tiền cổ, Trần Văn Nghệ công đức 01 quan, Nguyễn Văn Trúc công đức 01 quan. Tri huyện Nguyễn Thế Quý công đức 05 quan. Đô lại Trương Toàn Thái công đức 05 quan.

Mặt 2:

Trần Đình Tiệp công đức 01 quan. Man Đình Cấn công đức 01 quan. Nguyễn Hữu Kinh công đức 01 quan. Dương Tiến Lộc công đức 01 quan. Nguyễn Viết Đại công đức 01 quan. Nguyễn Kì công đức 01 quan. Nguyễn Lâu công đức 01 quan. Tạ Đình Mạc công đức 01 quan. Tạ Văn Hành công đức 01 quan. Man Phù công đức 01 quan. Tạ Đình Thạc công đức 01 quan. Nguyễn Văn Bích công đức 01 quan. Bùi Văn Chính công đức 01 quan. Nguyễn Thể công đức 01 quan. Nguyễn Kiên công đức 01 quan 02 mạch. Nguyễn Hữu Giản công đức 03 quan. Nguyễn Văn Đình công đức 01 quan. Nguyễn Hữu Tấu công đức 01 quan. Man Hữu công đức 02 quan.

Nguyễn Viết Dần công đức 05 mạch. Phạm Đăng Y công đức 06 mạch. Phạm Thời Ân công đức 06 mạch. Lê Toàn Lộc công đức 06 mạch. Nguyễn Viết Nhiếp công đức 06 mạch. Phạm Đăng Xảo công đức 05 mạch. Dương Đình Diễn công đức 06 mạch. Man Đình Chước công đức 06 mạch. Phan Văn Chiêu công đức 06 mạch. Phan Văn Trưng công đức 06 mạch. Tạ Đình Thùy công đức 05 mạch. Phạm Doãn Sứ công đức 06 mạch. Nguyễn Văn Đoạn công đức 06 mạch. Phạm Đức công đức 06 mạch. Tằng Văn Công công đức 06 mạch. Man Hậu công đức 06 mạch.

Ngày tốt tháng 02 năm Thiệu Trị thứ tư, quan viên hương lão trên dưới xã Mãn Xá đúc tạo một quả hồng khánh bằng đồng, nhờ vào các ông bà cùng thiện tín phát tâm Bồ Đề công đức, lượng tình tùy duyên, phổ khuyến thập phương công đức, để có được quả khánh viên thành lưu lại về sau, vậy nên viết rõ.

Tăng trú trì đại hưng công.

Man Thị Mã công đức 01 quan. Nguyễn Thị Cái công đức 06 mạch. Man Thị Khai công đức 01 quan. Phạm Thị Dục công đức 01 quan. Trần Thị Thuần công đức 01 quan. Trần Thị Miên công đức 01 quan. Ngô Thị Tài công đức 01 quan. Ngô Thị Tịch công đức 01 quan. Phạm Thị Sài công đức 02 quan. Nguyễn Thị Nhi công đức 01 quan. Phan Thị Yên công đức 01 quan. Dương Thị Chư công đức 01 quan. Phạm Văn Khấu công đức 06 mạch. Ngô Toàn Liêm công đức 06 mạch. Nguyễn Thị Liên công đức 01 quan. Nguyễn Thị Cẩm công đức nhất quán. Nguyễn Văn Bình công đức 01 quan. Nguyễn Văn Lẫm công đức 09 mạch. Nguyễn Đăng Ôn công đức 06 mạch. Nguyễn Đăng Đình công đức 05 mạch. Trương Hoàn ở xã Vĩnh Thế công đức 01 quan.Nguyễn Viết Bản công đức 03 quan. Đỗ Văn Mộc công đức 01 quan. Phan Đình Luyện công đức 02 quan. Trần Đình Hội công đức 03 quan 09 mạch. Phạm Đức Bá công đức 01 quan. Nguyễn Viết Hiển công đức 02 quan. Nguyễn Đăng Huy công đức 01 quan. Quan viên hương lão xã Đông Cốc công đức 03 quan. Nguyễn Viết Nguyên công đức 02 quan. Man Đình Giản công đức 01 quan. Đỗ Đình Phổ công đức 01 quan.  Nguyễn Viết Khỏa công đức 01 quan. Nguyễn Thị Diệc xã Cự Trắc công đức 06 mạch. Tạ Thị Tái công đức 02 quan. Nguyễn Viết Thưởng công đức 01 quan. Nguyễn Viết Giảng công đức 01 quan. Tạ Đình Hợp công đức 04 quan. Bổn tộc xã Hống Thế gửi giỗ công đức 08 quan. Phạm Văn Dung công đức 01 quan. Trương Thị Lan xã Hống Thế công đức 01 quan. Man Đình Thê công đức 02 quan. Bổn xã xã Bản Lâm công đức 03 quan. Lý Minh xã Doãn Xá công đức 02 quan. Nguyễn Hữu Sáng công đức 02 quan. Nguyễn Viết Ngạn công đức 02 quan. Nguyễn Hữu Tấu công đức 03 quan. Nguyễn Viết Đẩu công đức 02 quan 05 mạch. Dương Tiến Quyền công đức 03 quan. Trần Đình Cẩu công đức 01 quan. Nguyễn Viết Đạt công đức 03 quan.

  • Xác minh nội dung minh văn có tính chuẩn cổ bởi những địa danh cổ đó đúng thời đại Thiệu Trị:

Địa danh chùa Phước/Phúc Nghiêm (chữ Phước theo cách dịch của Bảo tàng Văn hóa Phật giáo ở Đà Nẵng cũng đồng nghĩa với chữ Phúc của người miền bắc) chính là chùa Tổ thờ Phật Mẫu Man Nương tại làng Mãn Xá, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Địa danh đúc khánh xã Mãn Xá  thì nay chỉ còn là làng Mãn Xá thuộc xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Đia danh xã Đào Xá thuộc tổng Hương La, huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn nay là Đào Xá ở TP. Bắc Ninh.

Địa danh thôn Mỹ Lộc, xã Phù Hán chưa xác định được.

Địa danh xã Phước/Phúc Thọ chưa xác định được.

Địa danh Doãn Xá Hạ nay là thôn Doãn Hạ, xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Địa danh xã Xuân Lê nay là thôn Xuân Lê, xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Địa danh xã Thanh Hoài nay thành làng Thanh Hoài, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Địa danh xã Thanh Tương nay là thôn Thanh Tương, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Địa danh xã Đại Tự nay là thôn Đại Tự, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Địa danh xã Liêm Lâm chưa xác định được.

Địa danh xã Văn Khai chưa xác định được.

Địa danh xã Phương Khai chưa xác định được.

Địa danh xã Đông Cốc nay là thôn Đông Cốc, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Đia danh xã Hồng Thế chưa xác định được.

Địa danh xã Vĩnh Thế trước đã đổi tê thành làng Vĩnh Thế, nay đổi lần nữa thành thôn Tư Thế, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Như vậy có nhiều địa địa danh trên đều có thật, ở thời Thiệu Trị là đơn vị hành chính cấp xã, hiện nay là cấp thôn/làng. Tên gọi Đào xá, Doãn xá…là để chỉ vùng đất của dòng họ Đào, họ Doãn sinh sống. Điều đó cho thấy nội dung khắc trên khánh thể hiện đúng tính chất cư trú các dòng họ trong lịch sử đã ở cùng một khu vực hay đồng nghĩa với việc văn khắc trên khánh là chuẩn cổ.

– Xác minh dòng họ Man công đức tiền đúc khánh. Dòng họ Man là dòng họ có ít người so với các dòng họ phổ biến khác như Trần, lê, Nguyễn… nhưng có điểm đặc biệt là có dòng họ Man hiện vẫn sống tại làng Mãn Xá, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Dòng họ Man có gắn với truyền thuyết Phật mẫu Man Nương được thờ tại đây. Chiếc Khánh đúc tại Mãn Xá xã có tên 6 người khác công đức cũng mang họ Man: Man Đình Cẩn, Man Phù, Man Hữu, Man Hậu, Man Thị Mã, Man Thị Khai. Thêm một thông tin nữa là tại Bảo tàng Văn hóa Phật giáo còn có một chiếc Hồng chuông chùa Phổ Quang cũng được chúng tôi giám định đợt này có được đúc vào năm Cảnh Hưng thứ 33 (1773) có khắc 5 người công đức mang họ Man gồm có: Man Thị Xúc, Mạn Thị Nghĩa, Man Thị Nhan, Man Thị Triệt, Man Thị Vong.

Hồng Khánh chùa Phúc Nghiêm có giá trị đặc biệt khi ghi khắc tên những người họ Man  công đức ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh bởi nó góp phần tư liệu minh văn ghi nhận thực sự có một dòng họ Man lâu đời gắn với truyền thuyết lịch sử thờ Phật Mẫu Man Nương cũng như lịch sử phật giáo, chứng minh việc có thiền sư Khâu Đà La đến truyền giáo cho Việt Nam từ thế kỷ 2-3 ở vùng Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

– Về lịch sử tiền tệ, trên khánh có khắc ghi nhiều công đức với với số lượng vài quan, mạch tiền cổ. Chú ý đến chữ tiền cổ bởi thời bởi khái niệm tiền cổ và tiền sử đã bắt đầu có từ năm 1527-1529 thời Mạc Đăng Dung. Trước đó các vua thời Lê Sơ đều đúc tiền to nặng từ 2,8g đến 5,8g chuẩn mực là 9 phân tức là nặng 3, 37g (cân lạng cổ theo vàng nguyên chất 10 phân là 1 chỉ vàng = 3,75g). Đồng tiền Minh Đức thông bảo của Mạc Đăng Dung chỉ nặng 2,1g tức là gần 6 phân, được gọi là sử tiền hay gián tiền (gián tiền là tiền giảm bớt trọng lượng).  Nhà Nguyễn còn đúc tiền có in chữ thất phân sau lưng tức là nặng sấp xỉ 2,6g. Như vậy sử tiền hay gián tiền là các loại nhẹ dưới 6-7 phân được đúc từ thời kỳ nhà Mạc đến hết thời Nguyễn. Cổ tiền hay tiền quý là loại tiền đúc nặng 9 phân. Chữ cổ tiền không có nghĩa là niên đại cổ mà là đúc có trọng lượng nặng 9 phân như trọng lượng tiền cổ thời Lê sơ. Do vậy trên khánh khắc loại tiền công đức là cổ tiền  và loại chỉ ghi tiền là để chỉ loại sử tiền, hoàn toàn phù hợp với lịch sử bối cảnh tiền tệ năm 1845. Đáng lưu ý nữa là 1 quan cổ tiền (nặng 3,4g/đồng) gồm 600 đồng nặng 2,04kg nhưng 1 quan sử tiền (nặng 2,1g/đồng) chỉ gồm có 360 đồng nên chỉ xấp xỉ 0,76kg. 3 quan tiền cổ (3 x 600 = 1800 đồng tiền) có giá trị bằng 5 quan sử tiền (5 x 360 = 1800 đồng tiền).

Do vậy trên khánh khắc loại tiền công đức là quan, mạch cổ tiền /quan, mạch tiền cổ và tiên không ghi cổ để phân biệt là hoàn toàn phù hợp với lịch sử bối cảnh tiền tệ và đúc khánh năm 1845.

– Về cách dùng chữ viết nhất 壹 , nhị 貳 , tam 參 trên khánh thời Thiệu Trị khác với cách dùng chữ trên chuông thời Cảnh Hưng  nhất 一, nhị 二, tam 三 để chỉ số lượng tiền công đức chứng tỏ thời sau dùng chữ nhiều nét khi viết số để tránh bị sửa chữa thêm nét làm sai lệch số tiền công đức trên văn khắc khánh nói riêng và các loại văn khắc, văn viết nói chung. Ví dụ nếu chữ nhất chỉ khắc 1 nét 一  thì ai đó có thể thêm 1 nét ngang để thành 2, thêm 2 nét ngang để thành 3, thêm 1 nét dọc để thành 10 (thập).

– Về thư pháp được khắc theo kiểu chữ Nam Khải khác với chữ Trung Quốc. Kiểu chữ Nam Khải hay còn được chúng tôi gọi là dạng chữ chân cải cách, là sự kết hợp giữa hành thư và thảo thư thể hiện qua hình dáng nét chấm trên đầu không thẳng đứng mà phết nghiêng chéo từ trái sang phải (ngẹo đầu). Hai nét phẩy trên đầu không thẳng chéo cân xứng mà có sự uốn mềm. Nét bên trái từ trên trái cong khum vào giữa, nét bên phải cong khum từ trên phải vào giữa. Hai nét phẩy ở dưới chân cũng không thẳng cheo đối xứng bằng nhau mà chân trái co cao, chân phải duỗi thấp đúng theo thư pháp cuối thời Lê Trung Hưng – đầu thời Nguyễn. Thời Nguyễn có đặc trưng là kiểu chữ trường kỷ cao gầy. Tỷ lệ khuôn chữ giữa chiều ngang và chiều dọc chuẩn là 2 ô ngang, 3 ô dọc, chữ trường kỷ thì 2 ô ngang nhưng dọc sẽ lớn hơn 3 ô tạo cho chữ có bố cục khuôn cao gầy.

Thư pháp của ngay dòng đầu tiên sau Xã Mãn xá:  甲 辰 年 貳 月 吉 日 造 鑄  phiên âm: Giáp Thìn niên nhị nguyệt cát nhật tạo chú. Dịch nghĩa:  Đúc ngày tốt tháng hai năm Giáp Thìn. Chữ cát (tốt) 吉 được nghiên cứu thư pháp cho thấy về khuôn chữ  theo tỷ lệ 2 x 4 thuộc loại chữ trường kỷ. Các nét viết dốc từ trái sang phải.

Khi so sánh diễn biến thư pháp kiểu chữ chân cải cách trên tiền cổ từ thời Lê sơ đến thời Nguyễn cho thấy rất phù hơp. Khuôn chữ Bảo trên đồng tiền Minh Mạng thông bảo (1820-1840) có niên đại gần giáp với thời Thiệu Trị có khuôn 2 x 3,8.  Dưới đây là hình mình họa Diễn biến thư pháp kiểu chữ chân cải cách trên tiền cổ từ thời Lê sơ đến thời Nguyễn đẫ được nghiên cứu trong đề tài: nghiên cứu phân tích thành phần hợp kim tiền chính triều thời Nguyễn năm 2021 do Ths. Lê Cảnh Lam làm chủ nhiệm đề tài – tư liệu Viện Khảo cổ học.

Thống kê cho thấy có 17 tổ chức là hương lão xã, thôn và 91 cá nhân công đức với tổng số tiền là 154,2 quan cổ tiền và 138 quan sử tiền, quy ra trọng lượng khoảng 420kg đồng. Điều này cho thấy chùa Phúc Nghiêm đã rất nổi tiếng, được nhiều tổ chức hội ở các xã và tỉnh khác quan tâm ủng hộ. Mặt khác cũng cho thấy giai đoạn Thiệu Trị hệ thống chùa đã có tổ chức quy củ, đã lập ra hội các già để hỗ trợ chăm lo việc phật pháp cũng như hỗ trợ việc tụng kinh, tổ chức đưa tiễn những người quá cố trong xã, thôn.

Tiền công đức của tổ chức có 14/17 hội hương lão công đức cổ tiền còn cá nhân công đức đều là sử tiền, điều đó phản ánh đúng như sử thời Nguyễn có ghi chép về tiền cổ tiền dùng để nộp thuế và chi trả lương các quan còn ở ngoài xã hội thì dân chủ yếu tiêu sử tiền.

Về mức công đức của cá nhân có thể chia thành 3 hạng: hạng cao từ 5,8 đến 2 quan, đa số (16/22) người ủng hộ ở mức 2 hoặc 3 quan. Hạng trung bình ủng hộ từ 1 đến 1,2 quan, hầu hết (46/47) người ủng hộ 1 quan. Hạng thấp từ 0,9 đến 0,5 quan, đại đa số (17/22) ủng hộ 0,6 quan.

Khi so sánh với dữ liệu về tiền công đức trên chiếc hồng chuông chùa Phổ Quang  thuộc Thôn Hữu Lân, xã An Việt, huyện Siêu Loại (thời Cảnh Hưng)  đúc năm 1773, nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (cũng được lưu giữ tại Bảo tàng Phật Giáo)  cho thấy trên chuông chỉ có 247 các nhân công đức mà không có tổ chức công đức.  Hạng cao từ 1 quan tiền đến 3 quan có đa số (49 người)  công đức 1,25 quan. Hạng trung bình từ 0,6 đến 0,7 quan có 42 người. Hạng thấp từ 0,6 đến 0,1 quan, trung bình là 0,3 quan có 81 người.

Bảng so sánh số tiền cá nhân công đức năm 1773 và 1845

  Số quan tiền các nhân đóng góp trung bình ghi trên chuông chùa Phổ Quang năm 1773

(1)

Số quan tiền các nhân đóng góp trung bình ghi trên khánh chùa Phúc Nghiêm năm 1845

(2)

Tỷ lệ 2/1
Hạng 1 (cao) 1,25 2,5 2
Hạng 2 (trung bình) 0,6 1 ≈1,7
Hạng 3 (thấp) 0,3 0,6 2

 

Qua bảng so sánh  số tiền công đức trên co thấy sau 72 năm kể từ năm 1773 đến 1845 thì mức độ đóng góp ủng hộ tặng khoảng 1,7 đến 2 lần. Có thể nó cũng phản ánh mức độ tăng trưởng kinh tế xã hội khoảng 100% trong khoảng 72 năm nghĩa là tăng trưởng khoảng 1,4% /năm. Về mức độ giầu ngèo chia thành 3 hạng và hạng cao gấp đôi hạng trung bình, hạng trung bình gấp đôi hạng thấp. Tỷ lệ gấp đôi này giữ nguyên cả ở năm 1773 và năm 1845. Có thể thấy sự gấp đôi này là một tư duy văn hóa chung về ứng sử khi đóng góp công đức và còn có thể ở cả việc ma chay, hiếu hỷ hay có thể là cả cách nhìn nhận phân hạng giàu nghèo trong xã hội.

Những số liệu thống kê không nhằm khen hay chê việc công đức nhiều hay ít bởi hoàn cảnh kinh tế mỗi hội hương lão và cá nhân mỗi khác. Tinh thần hướng đến Phật thì dù một vài đồng giọt dầu cũng rất đáng quý, đúng như tinh thần trên khánh của chùa đã khắc “lượng tình tùy duyên” khi khắc ghi công đức của các quan viên hương lão (hội các già) và các cá nhân. Chúng tôi thống kê số liệu ở đây để thấy giá trị của khánh như một bản ghi chép cho thấy tình hình kinh tế xã hội năm 1845 của nhân dân ở huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh và các vùng xung quanh.

III. Kết Luận

Hồng khánh chùa Phúc Nghiêm (chùa Tổ thờ Phật Mẫu Man Nương) được đúc tại Mãn Xá nay thuộc làng Mãn Xá, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh có niên đại Thiệu Trị tứ niên (1845).

Nội dung có giá trị đặc biệt khi khi khắc tên những người công đức họ Man góp phần làm sáng tỏ truyền thuyết Man Nương. Hiện tượng đã có cả tổ chức và cá nhân công đức là một lưu ý góp phần nhìn nhận, đánh giá giai đoạn lịch sử phật giáo tại địa phương đã hình thành và gắn kết các tổ chức xã hội xung quanh tại thời điểm năm 1845 ở khu vực. Hội hương lão liệu có phải là hội các già hay còn gọi là hội Già Lam (cộng đồng phật tử tu tại gia thường là những người già ngoài 50 tuổi) hay không là vẫn đề cần tiếp tục nghiên cứu.

Các tổ chức đóng góp cổ tiền còn các nhân đóng góp sử tiền cho thấy quy định về sử dụng tiền quý (cổ tiền) dành cho việc thu thuế và các tổ chức chính trị xã hội còn sử tiền thì dùng để chi tiêu hàng ngày cho dân thường.

Giá trị tiền đóng góp được ghi chi tiết cụ thể là một dữ liệu quý giá để từ đó có thể đánh giá tình hình phát triển kinh tế xã hội khi được dùng để so sánh với các dữ liệu ghi trên các chuống, khánh, bia khác ở các địa phương khác, thời kỳ khác .