Bước đầu nghiên cứu pho tượng đức phật Quan Âm Tống Tử ở bảo tàng văn hóa phật giáo (đà nẵng)

0
324
phat-quan-am-da-nang
phat-quan-am-da-nang
  1. Giới thiệu

Pho tượng Phật Quan Âm Tống tử là một trong những hiện vật độc đáo của Bảo tàng Văn hóa Phật giáo Đà Nẵng. Được làm từ chất liệu bạch ngọc nguyên khối, pho tượng phật quý giá này có kích thước: cao 30.0cm, rộng nhất 16.0cm, dày nhất 13.0cm và nặng 5,5 ki-lô-gam (Hình 1). Theo Thượng tọa Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quan Thế Âm – Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng – Giám đốc Bảo tàng Văn hóa Phật giáo Đà Nẵng cho biết: “Pho tượng do một Phật tử hiến cúng cho chùa và đã được lưu giữ ở chùa từ thời của Thiền sư Trụ trì Thích Huệ Hướng, mất năm 1995. Cũng theo lời truyền lại của Thầy Huệ Hướng; pho tượng Quan Âm Tống tử này có xuất xứ từ Hoàng cung của triều Nguyễn do các bà hoàng phi phụng thờ cầu xin được sinh con trai. Sau năm 1975, pho tượng được phát hiện dưới lớp bùn đất khi người dân  nạo vét giếng tại chùa Giác Hoàng trong khu Đại Nội Huế để lấy nước sinh hoạt. Có lẽ, do có biến cố lịch sử nào đó, nên tượng Quan Âm Tống tử này đã được cất giấu dưới giếng” (?)

Chùa Giác Hoàng đã đựợc xây dựng ngay địa điểm hiện nay là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Theo sử liệu, khi còn là thái tử vua Minh Mạng đã từng có thời gian ở tại chính nơi mà ông đã cho xây chùa Giác Hoàng vào năm 1839. Năm Thiệu Trị thứ Ba (1843), vua làm bài vịnh “Giác Hoàng phạn ngữ” là một trong 20 bài thơ mô tả cảnh đẹp ở Huế gọi là “Thần kinh Nhị thập Thắng cảnh”, trong đó chùa Giác Hoàng là cảnh đẹp thứ 17 được nói đến. Chùa Giác Hoàng còn được vẽ và in trong tập Ngự đề Đồ hội Thi tập (Trích theo Nguyễn Văn Phương 2016). Chùa được mô tả như sau: “Từ ngoài đi vào qua khỏi cổng tam quan là một vườn cảnh, rồi đến lầu hộ pháp, ở giữa là Đại hùng Bửu điện, hai bên có tả vu và hữu vu. Kế tiếp là điện Đại Bảo, phía trái trước điện có giếng “Thanh Phương” xây bằng đá xanh. Phía sau là hai dãy tăng xá, trai đường.” Hòa thượng Tánh Thiên Nhất Định (1784 – 1847) là vị tổ khai sơn chùa Từ Hiếu, được phong giữ chức Tăng cang đầu tiên của chùa. Quốc tự Giác Hoàng là nơi tổ chức các nghi lễ Phật giáo của hoàng gia và triều đình, đồng thời là một thắng cảnh nổi tiếng ở đất kinh kỳ bấy giờ (Hy Khả 2017).

Ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu nhằm ngày 05/07/1885, một biến cố nghiêm trọng đã xảy ra tại Huế, Thượng thư Bộ binh Tôn Thất Thuyết lãnh đạo tấn công vào hai mục tiêu lớn của quân đội Pháp lúc 03 giờ sáng cùng ngày. Tuy nhiên, quân Pháp đã phản công, quân triều đình không kháng cự được nên đã phải tháo chạy, đến 8 giờ sáng thì quân Pháp đã cắm cờ tam tài trên kỳ đài, trong thành lúc này không còn vua (Phạm Văn Sơn 1961).

Ngay sau đó, chùa Giác Hoàng đã được tận dụng để làm doanh trại cho binh lính Pháp; đến năm 1902, toàn bộ kiến trúc chùa đã bị phá hủy để xây thành Viện Cơ mật, ngay giữa trung tâm đất chùa được quy hoạch xây nên một tòa nhà hai tầng dùng làm chỗ hội họp của hội đồng thượng thư Nam Triều dưới sự chủ tọa của Khâm sứ Pháp. Cùng với đó là nơi làm việc của Hội lý người Pháp, Bộ Hình và Bộ Lại được bố trí tại hai dãy nhà ở phía trước. Một phần còn lại được dùng làm Bảo tàng Kinh tế. Người Huế đã gọi ba tòa nhà đó là “Tam tòa”. Danh từ “Tam tòa” trở nên quen thuộc qua nhiều thế hệ cư dân tại Huế, dù công năng của cụm kiến trúc này liên tục thay đổi theo thời gian, tiêu biểu như: Giai đoạn 1955 – 1975, quần thể kiến trúc này được dùng làm tòa án và văn phòng các cơ quan tư pháp địa phương của chế độ cũ. Tiếp sau đó là trụ sở của Ủy ban Quân quản Trị Thiên Huế ngay sau năm 1975; rồi lần lượt là trụ sở của Tỉnh ủy Bình Trị Thiên trong giai đoạn 1976 – 1989, và Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế giai đoạn 1989 – 2000. Từ tháng 10/2000 cho đến nay là trụ sở của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Khi chùa bị triệt giải, triều đình đã cho chuyển các pho tượng “Tam thế” và nhiều đồ tự khí “di tản” sang Gia Hội “ngụ” ở chùa Diệu Đế, cũng là một ngôi Quốc tự tại kinh đô Huế. Riêng quả Đại hồng chung thì được cất giữ trong kho của Vũ khố. Đến thời Bảo Đại, các pho tượng “Tam thế” được cung thỉnh lên thờ tại chùa Vạn Phước (Trường An, Huế). Riêng quả Đại hồng chung thì nay không biết lưu lạc phương nào (Hy Khả 2017).

Pho tượng bạch ngọc của Bảo tàng Văn hoá Phật giáo từng được công bố trong nội dung bài báo có nhan đề “Báu vật cầu con cái trong cung vua Nguyễn”, của tác giả Nguyễn Đông, đăng ngày 15/12/2015 trên báo mạng vnexpress.net. Trong đó có dẫn nhận xét của Tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam: “Niên đại tượng thuộc thời Nguyễn và có chất liệu là ngọc nephrite. Pho tượng bạch ngọc đặc biệt quý hiếm, chỉ có thể có nguồn gốc từ chốn cung đình xưa, chứ dân không có bạch ngọc”.

  1. Kết quả giám định và điều tra xác minh hiện trường

2.1. Giám định khoa học độc lập

Tháng 01/2022, ThS. Lê Cảnh Lam, PGS.TS. Nguyễn Quang Miên, TS. Lê Hải Đăng (Phòng Thí nghiệm, Viện Khảo cổ học) đã tiến hành giám định pho tượng Quan Âm Tống tử cùng với 15 hiện vật khác của Bảo tàng Văn hóa Phật giáo tại thành phố Đà Nẵng. Kết quả giám định được thể hiện trong Phiếu kết quả số 0462 ngày 25/04/2022 như sau: “Tượng Quan Âm Tống tử có chất liệu bạch ngọc nephrite quý hiếm, độc bản, làm theo kỹ thuật truyền thống có niên đại khoảng nửa cuối thế kỷ XIX” (Lê Cảnh Lam và cộng sự 2022): Kết quả giám định một số hiện vật của Bảo tàng Phật giáo thành phố Đà Nẵng).

2.1.1. Kỹ thuật chế tác

Tượng được chế tác bằng kỹ thuật thủ công, với các dụng cụ điêu khắc truyền thống và đánh bóng bằng vật liệu chuyên dụng, nhưng vẫn còn lưu dấu vết đục, chạm và các vết vỡ do tác động tu chỉnh hình dạng vảy vỏ sò, không có dấu vết sử dụng kỹ thuật hiện đại bằng máy như; máy khoan, máy đục hay máy chà… (Hình 2, 3). Tượng Phật có bố cục tạo hình hài hòa, chi tiết hoa văn sắc xảo, từ các đầu cánh sen uốn lượn mềm mại đến bàn tay em bé nhỏ gọn, tròn trịa, tất cả các chi tiết này thường rất dễ bị gãy vỡ khi đục bằng tay, điều này đòi hỏi sự lành nghề và kỹ thuật tạc tượng điêu luyện của người chế tác.

Xem thêm chi tiết tại: bươc dau nghien cứu pho tượng đức phật LE CANH LAM, so 4.2022 .doc