Trong đợt khai quật cổng nam Thành nhà hồ năm 2008 do Viện Khảo cổ học phối hợp với ban QLDT Thành Nhà Hồ tiến hành, ngoài việc làm xuất lộ di tích đã phát hiện được một số lượng lớn các loại di vật trong đó có đinh sắt đóng cánh cửa cổng. Các chiếc đinh này tìm thấy trong lớp than cháy ở gần đáy rãnh cổng ở cổng phụ phía Đông (thuộc hố 08.TNH.H1)
Phân loại đinh sắt
Loại | Đinh mũ (Loại I) | Đinh hình chữ T (Loại II) | ||
Độ dài (cm) | Số lượng | Độ dài (cm) | Số lượng | |
Ngắn | (I.1) 2,6 ± 0,05 | 44 | (II.1) 3,3 ± 0,3 | 8 |
Dài | (I.2) 3,2 ± 0, 2 | 19 | (II.2) 6,3 ± 0,3 | 19 |
Tổng | 63 | 27 |
Tổng số có 90 chiếc đinh nằm trong rãnh cổng này trong đó chia ra 2 loại: đinh mũ (63 chiếc) và đinh hình chữ T (27 chiếc). Trong mỗi loại lại phân ra các kiểu ngắn và dài:
– Loại đinh mũ có đầu mũ hình bán cầu, thân tiết diện hình vuông chuốt nhọn dần về mũi. Tiểu loại ngắn I.1 có độ dài trung bình 2,6cm, mũ hình bán cầu rộng 1,3cm, cao 0,6cm, tiết diện thân đinh to nhất (ở sát mũ đinh) là 0,4cm x 0,4cm. Tiểu loại dài I.2 có độ dài trung bình 3,2cm, mũ hình bán cầu rộng 1,5cm, cao 0,6cm, tiết diện thân đinh to nhất (ở sát mũ đinh) là 0,4cm x 0,4cm.
– Loại đinh hình chữ T có đầu dập bẹt gần hình chữ nhật, thân tiết diện hình chữ nhật vuốt nhọn dần về mũi. Tiểu loại ngắn II.1 có độ dài trung bình 3,3cm, mũ hình chữ nhật dài 1,1cm, rộng 0,4cm, cao 0,3cm, tiết diện thân đinh to nhất (ở sát mũ đinh) là 0,8cm x 0,4cm. Tiểu loại dài II.2 có độ dài trung bình 6,3cm, mũ hình chữ nhật dài 1,6cm, rộng 0,4cm, cao 0,3cm, tiết diện thân đinh to nhất (ở sát mũ đinh) là 0,8cm x 0,4cm.
Các chiếc đinh này đều thẳng, hoàn toàn không bị cong vặn do đập gập đầu mũi hay bị biến dạng do tháo dỡ gỗ. Cùng với hiện tượng chúng nằm trong lớp tro than cháy cho phép suy nghĩ rằng cổng thành trước kia đã bị đốt cháy và những chiếc đinh khai quật được chính là đinh đóng trên cánh cổng thành.
Mô hình cánh cửa và cách đóng đinh
Giả thuyết về chức năng của các loại đinh:
Loại đinh mũ ngắn (I.1) là đinh đóng từ mặt ngoài vào trong ở vị trí không có nẹp cửa chỉ có tác dụng trang trí.
Loại đinh mũ dài (I.2) là đinh đóng từ mặt ngoài vào mặt trong ở vị trí có nẹp cửa vừa có tác dụng trang trí, vừa có tác dụng liên kết ván bưng cửa với nẹp cửa.
Loại đinh hình chữ T ngắn (II.1) là đinh đóng từ mặt trong ra phía ngoài chỉ có tác dụng liên kết nẹp cửa với ván bưng cửa.
Loại đinh hình chữ T dài (II.2) là đinh đóng ở vị trí khung cửa để chốt mộng nẹp cửa với khung cửa hoặc chốt mộng ở các góc khung cửa.
Trên mặt nền đá vẫn còn dấu lõm cối cửa hình cầu lõm đường kính 25cm sâu 10cm cho phép ta nghĩ đến một đầu khung cánh cửa làm bằng thân gỗ trụ tròn (có thể bịt kim loại ở đầu để tăng độ bền?) quay trực tiếp trên lỗ cối cửa.
Thảo luận và nhận xét
Với loại đinh mũ ngắn (I.1) để đóng trang trí thì yêu cầu không được xuyên qua ván bưng cổng.
Với đinh mũ dài (I.2) và đinh hình chữ T ngắn (II.1) đóng ở vị trí nẹp yêu cầu phải xuyên qua ván bưng (đối với loại I.2) và xuyên qua nẹp (đối với loại II.1) nhưng không được xuyên qua hẳn 2 lớp.
Với chiều dài đinh mũ ngắn (I.1) là 2,6cm, đinh mũ dài (I.2) là 3,2cm và đinh hình chữ T ngắn (II.1) là 3,3 thì ván bưng cửa và nẹp cửa mỗi loại chỉ có thể dày từ 2,8cm – 3,0cm.
Với đinh hình chữ T dài (II.2) dài 6,3cm – 6,8cm thì khung cửa phải có độ dày lớn hơn 6,8cm.