Phân tích thành phần hợp kim tiền đồng cổ chính triều thời Lê

0
1707
  • CHỦ NHIỆM ĐỀ TÀI: ThS.Lê Cảnh Lam
  • NGƯỜI THAM GIA: PGS.TS. NGUYỄN QUANG MIÊN
  •         TS. Lê HẢI ĐĂNG
  • TỔ CHỨC CHỦ TRÌ: VIỆN KHẢO CỔ HỌC

Chương I. Mục tiêu và ý nghĩa

1. Mục tiêu.

Thông qua việc phân tích các đồng tiền đồng chính triều thời Lê để nghiên cứu kỹ thuật luyện kim cổ, tạo dữ liệu về hợp kim để phân chia các giai đoạn pha chế hợp kim. Bước đầu tìm hiểu về thư pháp chữ viết trên tiền.

Triển khai ứng dụng thiết bị máy đo XRF mới được trang bị cho phòng thí nghiệm, đối sánh kết quả đo với các phương pháp khác, đánh giá sai số của máy đo để làm chủ thiết bị, không chỉ đo cho đồ đồng mà đo cho cả các dạng hợp kim khác.

2. Ý nghĩa.

Ứng dụng kết quả phân chia giai đoạn hợp kim để giám định niên đại tiền không chính triều nói riêng và hiện vật đồng nói chung. Không chỉ xác định niên đại cho những hiện vật đồng được Khảo cổ học khai quật mà còn là công cụ để giám định đồ đồng cổ thật hay mới đúc để công việc sưu tầm hiện vật đồng tại các bảo tang và các sưu tập tư nhân có tính chính xác khoa học hơn và cũng là cơ sở khoa học để chống việc buôn bán cổ vật ra nước ngoài trái phép.

Làm cơ sở để mở rộng nghiên cứu về giá trị tiền tệ, thương mại cổ. Tiền là một vật trung gian để trao đổi hàng hóa bởi vật giá trị thực của đồng tiền dựa trên giá trị của cấu thành thừ các nguyên liệu kim loại, trọng lượng và công đúc. Những tính toán chi tiết về hàm lượng thành phần và trọng lượng tiền có thể xác định được giá trị thực của đồng tiền để từ đó đánh giá được tình hình kinh tế phát triển hay lạm phát.

Làm cơ sở để mở rộng nghiên cứu về khai thác mỏ quặng và luyện kim cổ.

Làm cơ sở để so sánh về tiến bộ kỹ thuật luyện kim so với các nước trong khu vực và quốc tế.

Góp phần về nghiên cứu lịch sử thư pháp chữ Hán. Trên tiền có chữ nên lưu giữ giá trị nghệ thuật thư pháp, những cải cách về chữ viết để khác với phương Bắc tạo thành một kiểu chữ đặc trưng của Việt Nam được gọi là Nam Khải.

Tiền đồng không chỉ là một hiện vật đồng bình thường mà trên tiền đồng còn có ghi niên hiệu của các đời vua nên bản thân tiền là một dấu mốc về niên đại. Tiền cổ được đúc theo niên hiệu của triều vua nên sự hiện diện của tiền cổ khẳng định vị thế chính trị của một triều đại. Những triều đại không được đúc tiền theo niên hiệu mà phải đúc tiền theo các niên hiệu khác hoặc các chữ khác là vua bù nhìn của thời vua Lê – chúa Trịnh. Do vậy góp phần vào nghiên cứu chính trị cổ.

Phân bố về tiền cổ Việt Nam ở các nước đánh giá về giao lưu thương mại quốc tế. Có những đồng tiền của Việt Nam trùng tên với tiền của Trung Quốc nhưng lại đúc ở các thời đại khác nhau. Ví dụ như tiền Nguyên Phong thông bảo nếu là tiền Trung Quốc thì là của thời Tống, nếu là của Việt Nam thì có thể là của thời Trần hoặc cũng có thể là tiền thời Lê Trung Hưng trong nước đúc lại và cả Nhật bản đúc bán cho chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Dựa vào thành phần hợp kim sẽ xác định được chính xác niên đại của đồng tiền đó và nơi đúc. Khi xác định được niên đại và nước đúc thì việc đánh giá về phân bố và giao lưu thương mại mới chính xác.

Xác định thời gian xuất hiện kim loại kẽm góp phần đính chính về dịch thuật Hán nôm trong các sách sử bởi trong các sách sử khi dịch từ “duyên”, “oa duyên”, “duyên tiền” khi viết về đúc tiền thường bị dịch nhầm thành kẽm hoặc chì. Lý do bởi khi viết về chữ “diên” thời đó chưa có chữ riêng để cho kẽm hay chì gây ra nhầm lẫn. Sự nhầm lẫn về dịch thuật này gặp cả ở Việt Nam và Trung Quốc bởi đó là thời kỳ đầu biết về kim loại kẽm người ta chưa có nhận thức khoa học về kẽm, còn nhầm kẽm cũng là một dạng chì do vậy chưa có từ riêng để chỉ kẽm. Với dịch sử từ sách Hán nôm của Việt Nam thì đề nghị lấy mốc thời gian 1720-1729 là thời điểm nước ta tinh chế được kim loại kẽm riêng để pha vào hợp kim, nếu trước thời gian này thì chữ “Duyên” này dịch thành chì, sau khoảng thời gian này thì dịch thành kẽm.

Chi tiết bài Báo Cáo: bao-cao-de-tai-tien-co-2020.docx