Tư liệu mới về thanh “Định Nam Đao” của Vua Mạc Đăng Dung

0
6419

 

Tư liệu mới về thanh “Định Nam Đao” của Vua Mạc Đăng Dung.

*Lê Cảnh Lam, *Nguyễn Quang Miên,** Ngô Minh Khiêm

* Viện Khảo cổ học, ** Ban quản lý di tích khu tưởng niệm các vua nhà Mạc.

 

Mạc Đăng Dung đã trúng võ trạng nguyên trong cuộc thi tuyển võ sĩ tại Giảng Võ đường ở Thăng Long, dưới triều vua Lê Uy Mục, được sung quân Túc vệ. Trong các cuộc dẹp loạn phe phái ở Thái Nguyên, Lạng Sơn, Thanh Hóa…, ông chiến thắng, bảo vệ triều đình. Mạc Đăng Dung được phong tới chức Thái sư, tước An Hưng vương, đức trí bậc nhất triều đình. Tương truyền ông đã sử dụng Định Nam Đao làm binh khí khi xông pha chiến trận.

Triều Lê sơ suy tàn, tháng 6.1527, hoàng đế Lê Cung Hoàng hạ chiếu nhường ngôi cho Thái sư Mạc Đăng Dung, lập nên triều Mạc, lấy niên hiệu Minh Đức. Ở ngôi đến năm 1529, học theo nhà Trần ông nhường ngôi cho con trai trưởng là Mạc Đăng Doanh, lui về làm Thái thượng hoàng. Khi Mạc Thái tổ băng hà vào năm 1541.

Sau khi triều đại nhà Mạc thất thủ, con cháu họ tộc phải đổi họ, chi họ Phạm gốc Mạc rước thanh đao về vùng đất Kiên Lao, Thiên Trường (Nam Định) để định cư và lưu giữ, thờ tự. Đến triều vua Minh Mạng (1821), Phan Bá Vành khởi binh, chống lại triều đình muốn dùng long đao của Mạc Thái Tổ làm linh khí trên chiến trường. Biết ý muốn đó, dòng họ Phạm gốc Mạc ở Ngọc Tỉnh đã chôn giấu Định Nam Đao quyết không để mất. Trải qua những thăm trầm của lịch sử, dấu tích nơi chôn giấu không còn, thanh long đao tưởng như đã mất, nhưng lại được tìm thấy khi đào hồ bán nguyệt vào năm 1938. Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Thành phố Hải Phòng xây dựng Di tích khu tưởng niệm các vua nhà Mạc tại xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng nơi trước đây là hành cung Kinh Dương khi Mạc Đăng Dung lui về làm thái thượng hoàng, chi họ Phạm ở Nam Định đã hiến tặng thanh Định Nam Đao để lưu giữ và thờ cúng trong hậu cung của khu di tích.

Trước đây đã có một số báo chí miêu tả và bàn luận về thanh đao này, đặc biệt chú ý về thông tin thanh đao nặng khi bị rỉ như hiện tại là 25kg, ước tính nếu lúc mới chưa bị rỉ thì nặng khoảng 30kg. Đao dài 2,55m, có báo viết dài 2,60m. Với trọng lượng nặng khoảng 30kg như vậy thì lại nhiều giả thiết cho rằng nó quá nặng không dùng để thực chiến được mà chỉ mang tính biểu tượng quyền uy.

Năm 2019, để phục vụ làm hồ sơ công nhận di sản cấp quốc gia cho thanh Định Nam Đao, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu cân, đo, chụp ảnh hiển vi phóng đại 100 lần cấu trúc bề mặt gỉ, phân tích thành phần hợp kim khâu đồng tra cán và so sánh họa tiết hoa văn đầu rồng trên khâu đao, kết quả như sau:

  1. Mô tả thanh Định Nam Đao.

Đao gồm cán sắt, khâu tra cán bằng hợp kim đồng đúc trang trí đầu rồng, vân mây, lưỡi sắt. Cán đao hình bầu dục cầm vừa tay, đúc sắt rỗng phía trên, phân chuôi đúc đặc để cân bằng trọng lượng cho dễ đánh và có thể dùng chuôi nặng để đánh. Đao đã bị rỉ nặng, các hỗ ăn mòn trên cán đao sâu khoảng 0,5-0,7cm. Lưỡi đao cũng bị rỉ và sứt mẻ một phần lưỡi. Cụ thể kích thước và trọng lượng như sau:

Tổng chiều dài: 239cm, trong đó phần cán dài: 146,5cm, từ khâu đao đến hết lưỡi đao dài 92,5cm, khâu đồng dài 16,5cm ôm chùm họng cán và lưỡi đao. Bản lưỡi chỗ rộng nhất 11,5cm, sống lưỡi dày nhất 1,3cm, mỏng dần về đầu lưỡi. Cán đao mặt cắt ngang hình bầu dục, đường kính 4,5 cm x 3,5cm.  Điểm thăng bằng trọng lượng giữa chuôi và  lưỡi nằm ở độ dài 107cm tính từ chuôi đao. Cân nặng 12,8kg. (ảnh 1,2,3).

  1. Chụp ảnh phóng đại 100 lần:

Bề mặt rỉ ăn mòn sâu và tự nhiên, các vét rỉ gồ nổi khối, tại các điểm góc cạnh sung yếu dễ bị ăn mòn đều có ri vê góc tròn. Không có dấu vết rỉ dọc cán theo vết dạng gò uốn cán do vậy cán đao đã được sản xuất theo kỹ thuật đúc phía họng rỗng và phía chuôi đúc đặc. Cấu tạo gỉ cho thấy thanh đao có rỉ tự nhiên và đã có niên đại lâu đời. Vết rỉ có trầm tích bám phủ tự nhiên chứng tỏ đao đã có thời gian bị chôn lấp và đào lên đúng như hồ sơ có viết về việc thanh đao được đào tìm thấy lại vào năm 1938 khi đào hồ bán nguyệt như đã nêu ở trên. (ảnh 4)

  1. Thành phần hợp kim khâu đồng.

Chúng tôi đã tiến hành phân tích thành phần hợp kim đồng của khâu đồng bằng phương pháp khối phổ plasma cảm ứng (ICP-MS). Thành phần hợp kim cơ bản tính cho những nguyên tố có hàm lượng từ 1% trở lên là Cu: 68,95%, Zn: 17,73%, Pb: 6,91%, Sn: 2,06%. Dạng hợp kim 4 thành phần Cu, Zn, Pb, Sn.

Hợp kim đồng chứa kẽm ở Việt Nam thường gặp sớm nhất vào khoảng quý I thế kỷ 17, trong khi hợp kim thế kỷ 16 lại chỉ có đồng, chì, thiếc. Khi buổi đầu có kẽm thì nguyên tố kẽm sẽ được thêm vào tạo thành hợp kim 4 thành phần đồng, kẽm, chì, thiếc. Quá trình thêm vào này do các làng đúc thu mua đồ đồng cũ các loại phối trộn vào đúc thì các nguyên tố sẽ có mặt mang tính thời đại. Mỗi giai đoạn lịch sử sẽ có một số dạng hợp kim. Ngày nay nếu không tính đến các dạng hợp kim đồng kỹ thuật đặc biệt cho máy móc thì hợp kim đồng đúc cho các đồ vật mỹ nghệ, thờ cúng, vật dụng thông thường chỉ có 2 thành phần đồng, kẽm. Ta biết Mạc Đăng Dung lên ngôi năm 1527 vậy thanh đao mà ông dùng thì niên đại phải thuộc quý I thế kỷ 16 chứ không thể muộn sang thế kỷ 17 được.

Có một khả năng khâu đồng được mua từ Trung Quốc hoặc phôi đúc từ đồ đồng của Trung Quốc còn người thợ rèn chỉ đúc phần cán và rèn lưỡi. Cũng có thể thanh đao được nhập khẩu từ Trung Quốc (nhưng có tương truyền về việc Mạc Đăng Dung đi đặt làm thanh đao và người thợ sau khi rèn xong có để lại một bài kệ đại ý là: “Cơ nghiệp sẽ dựng nên từ đây, cây đao này chỉ dành cho người có duyên, dùng nó sẽ làm nên sự lớn”. Nên ít có khả năng là thanh đao được nhập khẩu nguyên chiếc nếu tương truyền này là đúng).

Trung Quốc chưa biết tách riêng nguyên tố kẽm ra thành một kim loại riêng biệt nhưng họ đã biết lấy quặng kẽm thảo vào hợp kim đồng nóng chảy thì kẽm sẽ từ quặng thâm nhập vào hợp kim đồng từ năm 1503. Do vậy chiếc khâu đồng chứa nguyên tố kẽm vẫn có thể được làm từ thời của Mạc Đăng Dung khi có sự mua bán trao đổi giữa 2 nước giáp biên giới.

  1. So sánh họa tiết rồng trên khâu đồng.

Dựa trên những hiện vật đầu rồng qua các thời đại ta thấy: đầu rồng thời Lý có mào lửa và trang trí tỷ mỷ; đầu rồng thời Trần vẫn còn mào lửa nhưng đường nét đã giảm chi tiết, đầu rồng thế kỷ thế kỷ 15 – quý I thế kỷ 16 chuyển sang dạng đầu có mũi to giống sư tử, chưa chó sừng. Đầu rồng từ quý II thế kỷ 16 thuộc thời Mạc thì đầu bắt đầu có nhú 2 đầu sừng nhỏ. Đầu rồng thời Lê Trung Hưng thì sừng đã dài như sừng hưu. Đầu rồng thời Nguyễn vẫn giống thời Lê Trung Hưng nhưng trên thân thì có hoa văn mây đè lên người (rồng ẩn mây. Đầu rồng trên khâu đồng chưa có sừng, nhưng cũng không có mào. Mô típ này nếu thêm sừng nhú thì sẽ giống với rồng thời Mạc. Bởi vậy chúng tôi cho rằng đầu rồng này thuộc quý I thế kỷ 16. (ảnh 5,6,7,8,9,10)

  1. Tính thực chiến của thanh đao.

Chiều dài thanh đao là 239cm dài hơn những thanh đao mà các võ sư hiện đang sử dụng biểu diễn võ thuật đánh bộ. Những thanh đao này chỉ cao hơn đầu người chút ít có dài khoảng 170cm-180cm. Định Nam Đao có chiều dài 239cm thì chỉ có thể dùng để đánh trên lưng ngựa. Điểm cân bằng trọng lượng của đao cách chuôi đao 107cm cũng chính là điểm cầm của tay trên, còn tay dưới cẩm phía sau. Khoảng cách còn lại từ điểm cân bằng đến đầu lưới còn 132cm. Khi giao chiến có thể nghiêng với nhoài người thì tầm với của đao thường khoàng 200cm và tối đa là khoảng 300cm. Chuôi đao đúc đặc có độ nặng nên hoàn toàn có thể dùng đòn đánh bằng chuôi giúp người dùng có thể đánh tứ phía. Thiết diện cán hình bầu dục giúp việc cầm nắm đao vững và không bị lật xoay hướng lưỡi đao như cán thiết diện hình tròn.

Trọng lượng đao hiện tại khi đã bị rỉ, sứt lưỡi là 12,8kg, ước tính trọng lượng khi mới sử dụng khoảng 15kg tương ứng khoảng 25 cân cổ (1 cân cổ = 0,604,5kg). Với trọng lượng ước tính 15kg và điểm cân bằng trọng lực cách chuôi cán 107cm phù hợp với cách đánh đao trên ngựa. Trọng lượng trung bình chia đôi còn 7.5kg đủ nặng để ra đòn chém bổ uy lực và thu đao đánh bằng cán tả xung hữu đột.

Thanh đao đã được dòng họ Phạm gốc Mạc lưu giữ nhiều đời cộng với việc nghiên cứu giai đoạn hợp kim, so sánh họa tiết rồng trên khâu đồng, tính thực chiến của đao như trên cho thấy Định Nam Đao chính là thanh đao của Mạc Đăng Dung là hợp tình, hợp lý và có thể chấp nhận được.

 
Ảnh 1. Thanh Định Nam Đao Ảnh 2. Trang trí đầu rồng trên khâu đao
   
Ảnh 3. Trang trí rồng trên khâu đao Ảnh 4. Trầm tích rỉ sắt trên cán đao (ảnh phóng đại 100 lần)
   
Ảnh 5. Đầu rồng thời Lý Ảnh 6. Đầu rồng thời Trần
   
Ảnh 7. Đầu rồngthời Lê sơ thế kỷ 15-quý I thế kỷ 16 Ảnh 8. Đầu rồng thời Mạc
   
Ảnh 9. Rồng thời Lê Trung Hưng Ảnh 10. Rồng Thời Nguyễn