Gốm men chì (Pb) màu xanh lục Việt Nam có từ khi nào?
*Lê Cảnh Lam,* Hà Văn Cẩn, *Tống Trung Tín, **Ngô Thị Thanh Thúy
*: Viện Khảo cổ học; **: Bảo tàng Hà Nội
Vào thời Lý lần đầu tiên xuất hiện một dòng men gốm màu xanh luc. Khi đó nó dùng được tráng men vào ngói, vật liệu trang trí kiến trúc, bình, nắp hộp phấn và cả vào bát, đĩa… Chúng tôi đã tiến hành phân tích xét nghiệm 1 mảnh bát men xanh lục thời Lý, ký hiệu 08.TP.GM.495, (Ảnh 1) khai quật tại địa điểm Trần Phú (Ba Đình, Hà Nội) năm 2018 bằng phương pháp Quang phổ huỳnh quang tia X (XRF).
Ảnh 1: Mảnh bát men lục thời Lý, kí hiệu 08.TP.GM.495
Kết quả phân tích thành phần men và xương gốm bằng XRF cho thấy:
Vị trí phân tích | Thành phần % | ||||||||||
Chất tạo thủy tinh | Chất trợ chảy | Chất tạo màu | Chất tạo độ mờ | ||||||||
Al2O3 | SiO2 | K2O | Na2O | CaO | MgO | Fe2O3 | CuO | SnO2 | PbO | TiO2 | |
Men gốm | 2.8 | 27.08 | 0.6 | 0.5 | 2.29 | 0.62 | 65.85 | 0.21 | |||
Xương gốm | 16.28 | 78.88 | 2.03 | 0.5 | 0.22 | 0.35 | 0.88 | 0.76 |
Thành phần chất tạo mầu men gốm khi so sánh với xương thì có 3 chất tạo mầu được thêm vào đó là chì PbO 65.85%, đồng CuO 2,29%, thiếc SnO2 0,62%. Sự phối trộn của 3 chất màu này với kao lanh khi nung cho màu xanh lục. Công thức men này không cho chất trợ chảy CaO (từ đá vôi CaCO3) khác với dòng men trắng, ngọc, nâu (men màu sắt Fe) bởi nhiệt độ thiêu kết của men chì thấp hơn so với dòng men sắt. Với dòng men sắt thì CaO thường có tỷ lệ từ 7-15%. [1]
Khi so sánh thành phần chất tạo thủy tinh (Al2O3 + SiO2) của men chì này là 29,88% so với dòng men trắng, ngọc, nâu thời Lý, Trần trung bình khoảng 70-80% thì chỉ bằng khoảng 40%. Do vậy độ che phủ, độ cứng của men chì sẽ nhỏ hơn so với các dòng men kia nếu bị va đập, cào xước. Nhưng ưu điểm là nó không quá cứng so với xương nên độ co ngót khi gặp mưa nắng sẽ tương đồng hơn, do đó thích hợp làm men phủ vật liệu kiến trúc, ngói chịu mưa nắng ngoài trời mà ít bị bong tróc, nứt nẻ khỏi xương gốm.
Oxit chì (PbO) dễ bị phản ứng với axit acetic- tạo thành muối chì acetat theo phản ứng:
PbO + 2CH3COOH = Pb(CH3COO)2 + H2O
Dấm ăn có chứa Axit acetic khoảng 3%, nhiều chất chua trong rau quả, dưa cà muối, thực phẩm có chứa axit acetic có thể hòa tan dần men chì, làm mờ dần bát, đĩa đựng thức ăn. Đây là một trong những lý do mà ta thấy dòng men chì xanh lục ban đầu xuất hiện trên cả bát, đĩa, hộp phấn, bình, ngói, vật liệu trang trí kiến trúc nhưng sau đó một thời gian thì không được dùng để tráng men cho bát, đĩa đựng thực phẩm nữa. Sang thời Trần thì không thấy men lục tráng bát, đĩa. Có thể chỉ khoảng là giai đoạn đầu khi tạo được men lục này, người ta chưa có kinh nghiệm nên mới tráng men lục vào bát đĩa mà thôi. Liệu rằng vào thời Lý người ta đã biết men chì là chất độc gây hại sức khỏe khi tráng lên đồ đựng thực phẩm như bát, đĩa chưa hay chỉ vì nó bị mờ xấu khi phản ứng với thức ăn có chứa vị chua? Dù thế nào ta cũng thấy người Việt từ thời Lý hoặc muộn hơn sang thời Trần, họ đã biết không dùng men chì để làm đồ đựng thực phẩm và biết dùng men chì để phủ ngói và vật liệu kiến trúc chống co nứt men khi chịu mưa, nắng ngoài trời.
Tài liệu tham khảo
- Ngô Thị Thanh Thúy, Vài nét về chất liệu và kỹ thuật sản xuất đồ gốm men Thăng Long thời Lý-Trần. Tạp chí Khảo cổ học số 4 năm 2015 trang 29-41