Bảo quản xương, răng khảo cổ dưới góc nhìn sinh thái nhân văn.

0
2493

Bảo quản xương, răng khảo cổ dưới góc nhìn sinh thái nhân văn.

Ths. Lê Cảnh Lam

Viện Khảo cổ học

Xương, răng khảo cổ tồn tại dưới dạng di tích, di vật khảo cổ có mối liện hệ với con người và môi trường sống. Việc bảo quản xương, răng mà giữ lại được các yếu tố dẫn đến cái chết, bối cảnh, dịch bệnh dẫn đến cái chết, bệnh lý, nghề nghiệp của chủ nhân, táng tục, tôn giáo, mỹ thuật, thẩm mỹ…bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể của cái chết  để từ đó hiểu được sự tương tác giữa con người với con người, giữa con người với thế giới tự nhiên và sự thay đổi của khí hậu, cảnh quan, sự tiến hóa của muôn loài được hiểu là bảo quản dưới góc nhìn sinh thái nhân văn.  Ví dụ như trường hợp xác một con cá voi bị chết trôi dạt vào bờ do nó bị ăn quá nhiều các chai nhựa, túi nylon, vỏ lon đồ hộp thì bộ xương ấy cần được bảo quản để chúng ta thấy nó là loài cá gì? Cân nặng, giới tính? Sống ở đâu? Di cư từ đâu tới? Vì sao nó phải tới? Chất thải đã hủy hoại vào xương nó ra sao? Nguồn gốc của chất thải từ đâu đến, nhãn mác của chai nhựa, hộp sắt đó là gì, do công ty nào sản xuất, quốc gia nào đã không quản lý chất thải tốt để đổ ra đại dương dẫn đến cái chết của nó. Ở chiều quan xát khác thì sau này những người tìm hiểu hội họa người ta có thể quan tâm đến giai đoạn đó mỹ thuật trang trí trên bao bì quảng cáo như nào.  Những người quan tâm đến vật liệu lại hiểu về chất liệu, kỹ thuật của các đồ dùng đó. Những người quan tâm về thủy văn thì biết được về dòng hải lưu cảu biển dựa vào xuất xứ của sự trôi dạt bao bì phế thải….

I. Nguyên tắc bảo quản

Dù là bảo quản xương, răng hay bất kỳ chất liệu gì đều tuân thủ 4 nguyên tắc cơ bản sau:

  1. Giữ tối đa sự đầy đủ và nguyên trạng của di vật

Hầu như không có phương pháp nào giữ được 100% và chỉ giữ được tối đa càng nhiều càng tốt của hiện vật gốc, về hình dáng cần gắn chắp và giữ tối đa các mảnh vỡ của di vật. Về chất liệu bảo tồn tối đa các chất hóa học cấu tạo thành di vật.

  1. Đảm bảo tính thuận nghịch

Khi bảo quản cần phải ngâm tẩm, gắn kết các chất hóa học vào di vật thì phải bảo đảm sau này có thể sử dụng dung môi hoặc các biện pháp kỹ thuật khác lấy đi các chất đó mà không làm hư hại hình dáng và chất liệu của hiện vật gốc.

  1. Tính tương đồng

Tính tương đồng  bao gồm tính cơ lý và tính hóa học. Các chất ngâm tẩm, gia cố phải có tính cơ lý dãn nở nhiệt phù hợp để không làm vỡ cơ học khi giãn nở nhiệt, các chất gắn kết them vào không làm quá thay đổi về màu sắc hiện vật gốc.

  1. Tính tách biệt

Phần thêm phục dựng để hiện vật hoàn chỉnh cần được thể hiện tách biệt với hiện vật gốc để có thể nhận ra đâu là phần gốc, đâu là phần dựng thêm nhưng không quá khác biệt làm mất giá trị hiện vật gốc. Phần thêm thường có màu sắc gần giống phần gốc để hài hòa nhưng vẫn tách biệt.

II. Đặc điểm chất liệu hiện vật xương , răng

Cấu tạo

Xương, răng  gồm 3 phần: xương cứng, xương xốp, tủy xương.  Một số trường hợp  có thể còn sụn và màng xương. Một số trường hợp còn có chất nhuộm răng hoặc da, lông, vải vóc, quan tài như mộ xác ướp, tượng táng thiền sư. Một số hiện vật đa chất liệu  như dao cán bằng sừng, lưỡi dao bằng sắt hoặc đồ trang sức kết hợp đa chất liệu xương ngà, san hô với đá quý, kim loại quý…

  • Xương , răng được cấu tạo vỏ ngoài là phần cứng khoáng chất, với răng thì lớp ngoài cùng còn chứa men răng, trong là phần xốp mềm chứa khoáng chất và chất hữu cơ máu và thành mạch máu. Xương ống trong cùng chứa tủy xương
  • Thành phần hóa học của xương
  • Thành phần hóa học chính của xương gồm 2 phần chính là chất hữu cơ và chất vô cơ (chất khoáng) liên kết chặt chẽ với nhau đảm bảo cho xương có đặc tính đàn hồi và rắn chắc. Nhờ đó xương có thể chống lại các lực cơ học tác động vào cơ thể.
  • +Chất hữu cơ (chiếm 30% trọng lượng khô của xương) gồm có protein, lipid, mucopolysaccarid. Trong đó chiếm tỷ lệ cao là collagen và các phức hợp protein (là những glucosaminoglycan gồm chondroitin sulfat và acid hyaluronic kết hợp với protein).
  • +Chất vô cơ (chiếm 70% trọng lượng khô của xương) gồm các muối Canxi, Magie, Mangan, Silic, Kẽm, Đồng…trong đó chủ yếu là CaCO3, Ca10(PO4)6(OH)2.
  • Các thành phần hóa học của xương ở mỗi người có tỉ lệ không hoàn toàn giống nhau. Tỉ lệ đó phụ thuộc vào điều kiện dinh dưỡng, tuổi tác, bệnh lý. Cơ thể càng non, chất hữu cơ trong xương càng nhiều nên xương trẻ em mềm dẻo hơn. Khi về già, tỉ lệ vô cơ tăng dần lên nên xương dòn, dễ gãy.

III. Cấc yếu tố gây hại cho di vật xương răng

  • Các chất hữu cơ cáu tạo nên cơ thể xương, răng, da có mức pH sinh lý với da là 4-6,2, với máu, tủy là 6,5-7,5. Như vậy khoảng pH an toàn khi tiếp xúc với da, xương nằm trong khoảng 4-8. Do đó những hóa chất có pH nằm trong khoảng này tương đối an toàn khi ngâm, loại bỏ chất bẩn với di vật. Nếu dùng chất axit hay chất kiềm có pH nằm ngoài khoảng an toàn cần sử dụng dưới sự giám sát, quan sát trực tiếp và vừa đủ. Tránh việc sử dụng nước nóng để loại chất bẩn của xương vì có thể hòa tan mất collagen của xương.
  • Việc loại bỏ các chất axit và chất kiềm của môi trường ngấm vào xương là cần thiết bởi các hất này gây mủn xương và phản ứng cắt mạch collagen, amino axit của các chất protein có trong xương.
  • Mối nguy hại hàng đầu của xương là sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc do vậy phải kiểm xoát độ ẩm và khử trùng, tạo môi trường vi khi hậu cho xương, ngăn sự thâm nhập của bụi bẩn, và côn trùng tiếp xúc với xương. Ngăn chặn phản ứng oxy hóa xương bằng biện pháp kỹ thuật buồng kín hút chân không hoặc sử dụng các chất có pH trung tính có tính ức chế phản ứng oxy hóa.
  • Chống sự thay đổi nhiệt đột ngột và và giữ ổn định nhiệt độ phòng và độ ẩm lý tưởng 25 ± 5 oC, độ ẩm 65% ± 5.
  • Tránh ánh sang mặt trời và ánh sang tử ngoại có thể gây lão hóa các chất hữu cơ trong xương.
  1. Những yếu tố có giá trị sinh thái nhân văn trên xương, răng.
  • Những yếu tố này càng ngày càng được bổ xung theo nhận thức và trình độ khoa học kỹ thuật, mối quan tâm càng ngày càng được mở rộng cho đa ngành, đa lĩnh vực, đa lứa tuổi, tín ngưỡng, tôn giáo. Mỗi lần bảo quản là ta đã xóa đi một phần thông tin mà di vật lưu giữ, bởi vậy bảo quản thường kết hợp nghiên cứu để có thêm thông tin về di vật. Tùy điều kiện và mức độ quan trọng cảu di vật mà có thể áp dụng nhiều kỹ thuật phân tích xét nghiệm và liên ngành khoa học xã hội nhân văn, mỹ thuật, y tế, môi trường, địa chất …vào quá trình bảo quản.
  • Dưới đây là một số lưu ý những giá trị mà di vật xương chứa đựng cả cho hiện tại và tương lai
  1. Các chất hữu cơ có thể tồn tại hàng chục nghìn năm và có thể lâu hơn nữa. Ta vẫn có thể xác định AND của những bộ xương có niên đại vài nghìn năm, vẫn có thể tách chiết colagel trong tủy của những bộ xương có niên đại 20-30 nghìn năm để xác định niên đại phóng xạ C14. Chất Cac bon trong dạng khoáng CaCO3. Ca3(PO4)2. Cũng cho biết niên đại. Tuy nhiên niên đại khi tiến hành phân tích collagen hữu cơ và vô cơ lại có sự chênh lệch nhau khá xa. Có nhiều trường hợp với mẫu tuổi 15 nghìn năm lại lệch nhau tới 1500 năm- 2000 năm. Sự lệch nhau về niên đại giữa dạng hữ cơ và vô cơ không phải do tạp nhiễm mà lien quan đến sự chuyển hóa thức ăn chất hữu cơ và uống nước ngầm có sự rửa trôi của khoáng đá vôi CaCO3.
  2. Xương cột sống cá, vảy cá, mai rùa có chứa vòng sinh trưởng thể hiện tuổi của loài động vật, Việc phân tích các nguyên tố đồng vị bền C13, O18, N15 lại cho biết về khí hậu thời cổ đại. Rìa mép của các di vật này cho biết thời gian nó chết thuộc mùa nào bởi tính chất phát triển vòng sinh trưởng về độ rộng và màu vân liên quan đến mùa ngủ đông hay kiếm ăn, Nó cũng phản ánh tương hỗ đến tính di cư tìm kiếm thức ăn và tính lưu trú du canh du cư của con người.
  3. Chất sơn nhuộm đen răng lại cho biết về thẩm mỹ học, phân tích loại sơn cho biết về cây trồng trong quá khứ. Chất keo dính của hiện vật được dùng trong quá khứ cần được giữ lại để bảo tồn trong khi đất cát bám dính lại được loại đi.
  4. Vết ngấn răng lại cho biết về những stress đã trải qua mà như gần đây hiện tượng trẻ em uống thuốc tetacilin gây hỏng men răng và tạo ngân răng. Vết mài răng lại thể hiện tục cà răng, căng tai cảu một số dân tộc Tây Nguyên và trong thời tiền sử cũng đã có phát hiện trường hợp này.
  5. Cấu tạo thành phần chất lipit trong xương động vật có thể được sử dụng để so sánh với lipit ngấm vào trong các nồi gốm tiền sử để so sánh và nghiên cứu quá trình thuần dưỡng động vật.
  6. Dấu vết mực chấm trên loại hình chữ viết giáp cốt trên mai rùa hay trên xương cugx cho biết về nội dung chữ viết và chất liệu mực, màu.
  7. Hiện tượng xương đóng gim trên các cột gỗ có thể liên tưởng đến các phép thuật tâm linh, hiến tế.
  8. Tư thế bộ xương ôm gối, hay song táng, tượng táng… thể hiện phong tục tập quán của cư dân.
  9. Bộ xương theo tư thế giải phẫu khác với bộ xương xếp lộn xộn không đúng tư tế giải phẫu, có thể là cải táng.
  10. Xương tai trong là bộ phận lưu giữ tốt nhất về gen AND.
  11. Xương và đồ tùy táng , đồ trang sức… tạo thành hệ thống chất liệu cần bảo quản nguyên trạng, đúng tư thế mà nếu tách riêng ra thì sẽ làm giảm mất giá trị.
  12. Nghĩa trang thú cưng chôn chó mèo có chủ đích lại thể hiện tình yêu động vật nhưng một hố chôn hổ lốn xương lợn lại có thể là một dịch bệnh phải tiêu hủy.
  13. Loại hình đa chất liệu cần có biện pháp bảo quản hài hòa về tính chất để không vì giữ chất liệu này mà phá chất liệu kia.
  14. Xương, ngà, san hô có thể là công cụ lao động như mũi lao hay ở dạng đồ trang sức, khuyên tai, nhẫn, mặt dây chuyền hoặc ở dạng đồ thủ công mỹ nghệ trang trí trạm khắc tinh xảo. Với loại hình di vật này nó còn chứa yếu tố kỹ thuật chế tác khoan, cắt, mài, đánh bóng và dấu vết sử dụng. Do đó khi bảo quản tránh sử dụng cái dụng cụ hay biện pháp kỹ thuật gây xước làm mất dấu vết kỹ thuật của hiện vật.
  15. Loại hình trầm tích san hô có gắn kết di vật khảo cổ được xử lý loại bỏ các bở rời dính bám nhẹ nhưng vẫn giữa lại cơ bản cấu trúc để thể hiện môi trường trầm tích biển.
  16. Xương, răng tồn tại bền hơn trong môi trường đất bùn hiếm khí hoặc được thẩm tích đá vôi nhưng nhanh bị hư hỏng hơn trong môi trường đất bị oxy hóa, trên gò cao. Chỉ số Fe2+/Fe3+ của đất là giá trị đặc trưng cho tính oxy hóa cảu đất. Giá trị này <1 là đất có tính khử, =1 là cân bằng và >1 là đất có tính chất oxy hóa. Ta có thể thấy vùng đất trũng, ngập nước vẫn giữ được các mộ quan tài gỗ, vải sợi kèm di cốt người đồng sơn nhưng ở Tây Nguyên thì rất hiếm gặp được dấu vết xương trong mộ. Đợt khai quật di chỉ Lung Leng ở huyện Sa  Thầy, Kon Tum đã khai quật hàng trăm mộ nhưng không tìm thấy xương do chỉ số oxy hóa Fe2+/Fe3+ Như vậy cần thiết phải loại bỏ đất bám bên ngoài và trong xương xốp, ống tủy của xương.
  17. Xương động vật và vấn đề tục lệ: Người Ấn Độ theo đạo Hindu tôn thờ thần bò Linda bởi vậy những trang trại nuôi bò sữa khi hết tuổi khai thác sữa thì không giết mổ mà thả về tự nhiên để nó tự chết. Người Việt ở Tây Nguyên thì lại đi săn và chặt phần đầu, sừng để gài lên mái nhà rông. Nhà rông là một ngôi nhà chung để ngoài việc họp hành thì thanh niên và con gái trưởng thành đến tuổi tìm hiểu tình yêu thì ra đó ngủ chung. Các chàng trai lưu giữ các đầu thú săn bắt được trong rừng như một cách thể hiện sự can đảm và trưởng thành của mình. Tục thờ cá voi của các làng chài ven biển Việt Nam cũng là hiện tượng phổ biến. Việc bảo quản các loại xương này và trưng bày cũng cần tôn trong tính văn hóa đó nhất là khi triển lãm lưu động đến vùng văn hóa đó. Ví dụ với bộ xương bò mà bảo quản trưng bày cho người Ấn Độ theo đạo Hindu xem mà chỉ có xương đầu, hoặc trên xương còn đầy những vết chém của sự giết mổ nếu nội dung giới thiệu là phê phán sự giết mổ hợp với văn hóa của họ thì được họ ủng hộ nhưng vì lỗi vô tình khi quá trình giết mổ để lại những vết chém thì họ có thể không hài long và làm mất đi sự thiện cảm với bảo tang nói riêng và với quốc gia đó nói chung.
  18. Quần thể xương phản ánh trình đxaxkinh tế xã hội. Một tập hợp của những bộ xương của một loài có cùng kích thước phản ánh sự chăn nuôi đến tuổi trưởng thành mới giết mổ, trong khi nếu tập hợp xương của loài cả to, nhỏ đủ cả lại thể hiện sự săn bắt. Một bên thể hiện nền kinh tế bền vững còn bên kia thể hiện nền kinh tế khai thác chiếm đoạt của thiên nhiên. Như vậy cần bảo quản cả tập hợp hoặc có tư liệu, hình ảnh về tập hợp đó để thấy được quy mô của tập hợp xương.
  19. Tập hợp đa loài của cả xương và quần thể nhuyễn thể cũng cần được bảo quản hoặc có tư liệu liệu để thể hiện được tính giao lưu buôn bán, hình thức kiếm ăn, thói quen sử dụng thức ăn hay chế độ dinh dưỡng.
  20. Xương động vật và vấn đề khí hậu, địa chất, thủy văn: Hiện tượng xương cá voi bị chết trong đất liền cách xa bờ biển hiện tại cho thấy sự thay đổi về cửa song cổ hoặc mực nước biển thời đó. Việc bảo quản bộ xương này cần có thêm bảo quản cột đất địa tầng trầm tích và những nghiên cứu bổ sung về niên đại, trầm tích, trùng ốc để lý giải về môi trường, địa mạo cổ.
  21. Nhân học hình thể chú ý đến các chỉ số đo hộp sọ người để phân loại chủng tộc và phục dụng khuôn mặt thông qua hộp sọ. Những vị trí quan trọng có thể sử dụng để xác định độ tuổi như độ khớp của 3 mảnh hộp sọ, độ dài xương ống. độ mọc của răng vĩnh viễn, cấu tạo núm răng. Xác định giới tính nam hay nữ qua góc chữ V của xương chậu hay độ gồ của xương cung mày. Hàm lượng hóc môn trong máu cũng có thể được dùng để xác định nam hay nữ và đã đến tuổi dậy thì hay chưa. Quan hệ huyết thống và chủng tộc cũng có thể giám định gen ty thể qua phân tích AND. Như vậy khi tác động cơ học hay hóa học cần chú ý để giữ lại các đặc điểm này.
  22. Phương pháp bảo quản xương, răng trong bảo tàng.

Phương pháp bảo quản trong bảo tang khác với bảo quản tại chỗ ở di chỉ khảo cổ hoặc trong hang động  bởi nó tách khỏi cảnh quan di tích không bị ảnh hưởng của sự mưa nắng và dòng chảy nước từ trần hang. Việc điều chỉnh kiểm soát về nhiệt độ, độ ẩm, côn trùng, ánh sáng, bảo vệ và chăm sóc được kiểm soát tốt hơn khi ở trong phòng nhưng cũng làm giảm đi giá trị của di tích khi khai thác tham quan du lịch tại di tích.

Các bước tiến hành bao gồm:

  1. Loại bỏ tạp chất gây hại:
  • Tạp chất gây hại bao gồm các chất bám dính vô giá trị làm xấu hiện vật, cản trở việc quan sát chi tiết về cấu trúc hoặc họa tiết, hoa văn trên hiện vật, hút ẩm gây phát sinh ổ vi khuẩn và nấm mốc.
  • Có thể xử dụng máy siêu âm ngâm hiệt vật trong nước cất để loại bỏ đất bùm bám dính trong và ngoài xương, sử dụng bàn chải nhựa và bộ dụng cụ nha sỹ để loại bỏ những bám dính.
  • Không sử dụng nước nóng trên 50oC để làm sạch bởi các chất collagen có thể bị trùng hợp chuyển hóa sang dạng polymer. Colagen sẽ trùng hợp thành dạng cao dẻo khi nhiệt độ tang lên đến 65o
  • Có thể sử dụng acid chanh và làm trực triếp và kiểm soát liều lượng, thời gian để loại bỏ khoáng sắt, cacbonate bám dính nhưng không được ngâm để đó mà không trực tiếp quan sát.
  • Có thể sử dụng hệ dung dịch đệm pH trong khoảng 4-8 của Na2HPO4/NaH2PO4
  • Loại bỏ vết ố hữu cơ, chân nấm mốc bằng ethanol, aceton.
  1. Ức chế nấm mốc, vi khuẩn
  • Ức chế nấm mốc bằng các hóa chất có độ pH trong khoảng 4-8. Có thể xông tinh dầu cỏ xạ hương hoặc thymol. Không nên xông sunphua bởi sau này sẽ tiềm tàng chuyển hóa thành axit H2S và H2SO4 gây hư hại. Không dùng chất có tính oxi hóa để khử trùng như H2O2, KMnO4, O3,… vì nó gây hư hại xương, răng.
  1. Làm khô xương, răng
  • Không dùng tủ xấy khô trực tiếp có nhiệt độ cao hơn 50oC mà để ráo nước trong bóng râm sau đó làm khô ở nhiệt độ phòng trong tủ hút chân không hoặc để trong bình/tủ hút ẩm silicagen. Có thể nhúng tráng qua ethanol, acetone để loại nước và làm nhanh quá trình làm khô xương, răng. Có thể sử dụng phương pháp đông lạnh hút chân không để làm khô xương.
  1. Gia cố xương, răng.
  • Sử dụng các loại keo thuận nghịc họ acrylic để gắn kết và quét phủ như Pazaloid B72 tan trong dung môi acetone nhưng không tạo độ bóng hắt sáng cho hiện vật. Tính thuận nghịch của loại keo này là khi cần thiết có thể dùng axetone để ngâm, nhúng và loại bỏ keo ra khỏi hiện vật mà không gây hại cho hiện vật. Nếu cần phải tạo cá que, cột chống để giữ cấu trúc thì sử dụng các cột chống có chất liệu trơ hóa học và không hút ẩm gây mốc như que nhựa PE, PP, HDPE, thép inox, không dùng thanh gia cố bằng tre, gỗ, sắt, nhựa PVC. Không dùng các loại keo chết không thuận nghịch như keo 2 thành phần epoxy hay keo 502 để gắn chắp.
  • Mặc dù có phương pháp trùng hợp polymer nghĩa là dùng các monomer để ngâm xương, da sau đó đưa vào buồng chiếu tia gama để bảo quản xương, da nhưng tôi không khuyến khích phương pháp này bởi sau khi trùng hợp thì nó không thuận nghịch, không có cách nào để loại bỏ polymer ra mà không gây hư hại hiện vật. Hiện tại thì phương pháp trùng hợp này giữ được màu sắc da, không gây co ngót da và không cần lưu giữ vi khí hậu nhưng cũng không thể nghiên cứu thêm được về AND hay vi lượng khoáng chất của xương nếu cần thiết. Polyme cũng có thể tồn tại được khoảng thời gian 100 năm trong điều kiện trong nhà nhưng khi nó phân hủy thì cũng đồng nghĩa là hủy hoại hiện vật mà không có cách nào khôi phục lại được. Có thể bây giờ đó là phương pháp hay nhưng về tương lai thì chưa chắc nó đã tối ưu bởi nó là phương pháp bảo quản không thuận nghịch.
  1. Lưu giữ xương, răng
  • Những loại hình nhỏ và đơn chất liệu có thể để trong tủ kính để ngăn côn trùng và bụi bẩn là đủ nhưng những loại hình mộ táng đa chất liệu có cả đất thì cần chống nấm cho đất và được nắp đặt thêm quạt gió ở dưới chân bệ tủ để không khí được lưu thông. Không để độ ẩm cao vừa gây mờ kính vừa gây nấm mốc. Nếu có điều kiện kết hợp với bộ lọc màng vi khuẩn như các tủ an toàn sinh học để chống thổi vi khuẩn vào tủ trung bày thì càng tốt.
  • Loại hình to như xương cá voi, trưng bày trực tiếp trong không gian phòng trưng bày mà không có tủ kính bao quanh thì cần làm cọc phân cách để tránh sờ vào hiện vật. Nếu có điều kiện sử dụng quạt gió lọc khuẩn thổi từ trên xuống bạt gió ra phía ngoài vị trí trưng bày của bộ xương để ngăn cản bụi và vi khuẩn tấn công vào bộ xương thì rất lý tưởng.
  • Hệ thống điều hòa và hút ẩm trong phòng trưng bày tối ưu được duy trì ở 25oC±5 và độ ẩm 65% ±5. Nhiệt độ biến thiên giữa ngày và đêm không quá 10o
  • Ánh sáng: anh sáng chiếu trong phòng bảo tàng là loại đèn chuyên dụng phổ ánh sáng không chứa tia tử ngoại. thường được lắp đặt hắt sáng vào hiện vật còn các không gian khác thì tồi hơn để làm nổi bật hiện vật chứ không sáng đều khắp không gian.
  • Thời gian bảo quản lại hiện vật. Tùy theo hiện vật và biện pháp lưu giữ mà bảo quản lại lâu hay mau. Khi thấy xuất hiện các nấm mốc hay xung quanh hiện vật có hiện tượng rơi rụng bụi mọt là lúc phải xử lý bảo quản lại. Theo dõi thường xuyên các biến đổi của xương là rất cần thiết. Có thể dùng gang tay hay một mảnh giấy trắng để lau tỳ vào xương định kỳ hàng tháng để xem xương có bị biến chất gì không. Những vết bẩn có độ dính bết là có sự phát triển của nấm mốc cần được bảo quản lại. Bảo quản loại hình xương thường có thời hạn 5 năm là cần xử lý lại.

Tóm tắt

Bài viết trình bày về khái niệm bảo quản xương, răng dưới góc nhìn sinh thái nhân văn trong đó việc bảo quản xương không chỉ là giữ lại hình dáng của bộ xương mà là tổng hòa các yếu tố liên quan giữa nó với con người và môi trường thiên nhiên, văn hóa. Việc bản quản đồng thời gắn với nghiên cứu đa ngành và liên ngành là yêu cầu mới trong nhận thức về bảo quản xương, răng. Bên cạnh nhận thức về sinh thái nhân văn, tác giả cũng đã đưa ra các biện pháp kỹ thuật để bảo quản và lưu giữ hiện vật xương răng trong điều kiện trưng bày bảo tàng.